HỘI THẢO XIN Ý KIẾN VỀ VIỆC SỬA ĐỔI CHƯƠNG TRÌNH ĐIỀU TRA THỐNG KÊ QUỐC GIA
23/05/2022 16:03:46 PM (GTM +7)

 

Ngày 16 tháng 5 năm 2022, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tổ chức “Hội thảo xin ý kiến về việc sửa đổi chương trình điều tra thống kê quốc gia”. Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng TCTK chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng TCTK; đại diện Lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị thuộc TCTK; đạo diện Lãnh đạo, chuyên viên một số bộ ngành có liên quan.

Chương trình điều tra thống kê quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quyết định, được tiến hành định kỳ nhằm thu thập thông tin chủ yếu để tổng hợp các chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Chương trình điều tra thống kê quốc gia gồm tên cuộc điều tra, mục đích, đối tượng, đơn vị, loại điều tra, nội dung điều tra, thời kỳ, thời điểm điều tra và cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp thực hiện.  Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia là cơ sở để phân công, phối hợp giữa các Bộ, ngành trong việc xây dựng chương trình điều tra thống kê quốc gia, sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê và chương trình khác có liên quan đến hoạt động thống kê.

Hiện nay, Chương trình điều tra thống kê quốc gia ban hành theo Quyết định số 43/2016/QĐ-TTg  ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ được xây dựng trên cơ sở Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia được quy định tại Luật Thống kê năm 2015 không đáp ứng đủ nhu cầu thông tin đầu vào của 230 chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật số 01- Luật sửa đổi và bổ sung một số điều và phụ lục danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV thông qua ngày 12/11/2021. Thông tin thu thập của một số cuộc điều tra thống kê không còn phù hợp, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vai trò và sự tác động mạnh mẽ của lĩnh vực logistics, do đó chưa có thông tin phản ánh đầy đủ sự vận động của các hiện tượng kinh tế – xã hội. Bên cạnh đó, nhu cầu thông tin của Đảng, Chính phủ và của Nhà nước đòi hỏi ngày càng cao để đáp ứng mục tiêu quản lý, vận hành đất nước trong quá trình phát triển và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế nên cần thiết phải sửa đổi bổ sung, hoàn thiện nguồn thông tin đầu vào để đáp ứng nhu cầu thông tin của các cấp, các ngành; tên gọi, thời điểm, thời kỳ và nội dung của một số cuộc điều tra cần thay đổi cho phù hợp với thay đổi về yêu cầu thông tin; một số cuộc điều tra thực tế trong những năm qua không tiến hành được vì nhiều nguyên nhân khác nhau,… Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu thông tin phục vụ biên soạn, tổng hợp chỉ tiêu thống kê theo Luật số 01, Chương trình điều tra thống kê quốc gia cần phải ban hành thay thế để bổ sung nội dung thông tin thu thập vào một số cuộc điều tra thống kê, bổ sung một số cuộc điều tra thống kê mới vào danh mục các cuộc điều tra thống kê quốc gia, đây là các cuộc điều tra thống kê nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê trong thời kỳ mới. Bên cạnh đó, một số cuộc điều tra cần loại bỏ do một số chỉ tiêu thống kê không còn phù hợp trong thời kỳ mới, một số chỉ tiêu thống kê đã được thu thập từ Chế độ báo cáo thống kê hoặc khai thác thông tin từ cơ sở dữ liệu hành chính.

Dự thảo Chương trình điều tra thống kê quốc gia được xây dựng trên cơ sở thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác thống kê; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp; tính thống nhất, chính xác, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật về thống kê. Việc xây dựng Chương trình điều tra thống kê quốc gia dựa trên các nguyên tắc: Đảm bảo đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê, tính phù hợp, tính khả thi, tính không trùng lặp và tính kế thừa. Bố cục của Quyết định gồm 03 Điều và Chương trình điều tra thống kê quốc gia ban hành kèm theo Quyết định. Có 9 nội dung cơ bản gồm: Thứ tự; tên cuộc điều tra; mục đích điều tra; đối tượng, đơn vị điều tra; loại điều tra; nội dung điều tra; thời kỳ, thời điểm điều tra; cơ quan chủ trì; cơ quan phối hợp.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, trong 03 nguồn thông tin chính hiện nay là từ chương trình điều tra thống kê quốc gia, khai thác dữ liệu hành chính và thu thập dữ liệu lớn thì chương trình điều tra thống kê quốc gia vẫn luôn được Chính phủ quan tâm, đầu tư xây dựng để thu thập thông tin. Sau quá trình làm việc nghiêm túc, khẩn trương và trách nhiệm giữa TCTK và các bộ ngành, các chương trình điều tra thống kê quốc gia đã được tập hợp và Dự thảo hiện đang trong quá trình hoàn thiện. Hội thảo lần này sẽ báo cáo kết quả quá trình làm việc giữa TCTK với các bộ ngành, đồng thời xin ý kiến chính thức từ các đại biểu tham dự nhằm sớm hoàn thiện Dự thảo trình Chính phủ ban hành. Tổng cục trưởng đề nghị đơn vị trình bày báo cáo tại Hội thảo nêu rõ các nội dung đã tiếp thu, chưa tiếp thu, đồng thời xin ý kiến bổ sung đối với các nội dung chưa thống nhất để các bộ ngành có sự chuẩn bị và báo cáo bằng văn bản chính thức trước khi trình Chính phủ. Tổng cục trưởng hy vọng, căn cứ vào mong muốn giữa các bên và tình hình thực tiễn, Dự thảo trình Chính phủ sẽ có được sự đồng thuận cao nhất giữa TCTK và các bộ ngành.

Chương trình điều tra thống kê quốc gia trong Dự thảo gồm 44 cuộc điều tra, trong đó đó có 03 cuộc tổng điều tra thống kê quốc gia (Tổng điều tra dân số và nhà ở; Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp; Tổng điều tra kinh tế) và 41 cuộc điều tra ở các lĩnh vực khác nhau. Trong quá trình xây dựng, lấy ý kiến về Dự thảo chương trình điều tra thống kê quốc gia, các bộ ngành về cơ bản nhất trí với dự thảo. Theo kế hoạch, việc hoàn thiện Dự thảo lần cuối chậm nhất đầu tháng 6/2022 và hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ vào giữa tháng 6/2022.


Nguồn: Tổng cục Thống kê