Bộ Công Thương tổ chức ba Hội nghị tập huấn nghiệp vụ điều tra "Năng lực sản xuất và năng lực mới tăng của một số sản phẩm công nghiệp" cho Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Thực hiện Quyết định số 803/QĐ-TTg ngày 28 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình điều tra thống kê quốc gia, ngày 29 tháng 4 năm 2014, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3184/QĐ-BCT về việc Điều tra năng lực sản xuất và năng lực mới tăng của một số sản phẩm công nghiệp.
Bộ Công Thương cũng đã thực hiện cuộc điều tra năng lực sản xuất và năng lực mới tăng của một số sản phẩm công nghiệp nhằm đánh giá khả năng sản xuất trong cả nước, từng địa phương, các nhà đầu tư và doanh nghiệp, đồng thời tổng hợp và xây dựng cơ sở dữ liệu gốc chỉ tiêu “Năng lực sản xuất và năng lực mới tăng của một số sản phẩm công nghiệp” trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Công nghiệp và Thương mại phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh ngắn hạn và dài hạn của một số sản phẩm công nghiệp.
Tham dự các Hội nghị tập huấn nghiệp vụ điều tra "Năng lực sản xuất và năng lực mới tăng của một số sản phẩm công nghiệp" tổ chức tại 3 Miền có trên 200 đại biểu đại diện cho các Bộ: Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính…; đại diện các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty thuộc Bộ và cán bộ điều tra của Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thừa ủy quyền của Lãnh đạo Bộ, ông Huỳnh Đắc Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được phổ biến và tập huấn đầy đủ các nội dung của cuộc Điều tra như: Sự cần thiết, mục đích điều tra; đối tượng và phạm vi điều tra; thời kỳ và thời điểm điều tra; nội dung điều tra; phương pháp thu thập thông tin; kế hoạch điều tra; tổ chức thực hiện; Phiếu điều tra và Hệ thống danh mục sản phẩm công nghiệp áp dụng cho cuộc điều tra.
Hội nghị đã dành nhiều thời gian cho các đại biểu và báo cáo viên trao đổi, thảo luận những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác triển khai điều tra, nhất là nội dung kinh phí điều tra như: Một số địa phương do đặc thù các doanh nghiệp, cơ sở kinh tế trực thuộc doanh nghiệp cách xa trung tâm và không tập trung nên khi thu thập phiếu điều tra, các điều tra viên mất nhiều thời gian và chi phí đi lại, chi phí điện thoại, v.v... Vì vậy, các Sở Công Thương tại các địa phương này đã đề nghị Bộ xem xét hỗ trợ chi phí đi lại hoặc giảm số phiếu điều tra tính cho một công của điều tra viên để đảm bảo hiệu quả. Một số Sở Công Thương không có cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, cơ sở kinh tế trực thuộc doanh nghiệp nên gặp nhiều khó khăn trong việc lập danh sách đơn vị điều tra và không kết hợp được cuộc điều tra này với cuộc điều tra của địa phương. Các Sở Công Thương gặp khó khăn trong vấn đề này đã đề nghị Bộ có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị có liên quan và hỗ trợ kinh phí trong việc tổ chức điều tra tại địa phương. Một số Sở Công Thương kết hợp cuộc điều tra này với cuộc điều tra của địa phương nên đề nghị Bộ hỗ trợ tạo điều kiện mở rộng sử dụng chung phần mềm điều tra cho cả cuộc điều tra của địa phương.
Sau mỗi Hội nghị, ông Huỳnh Đắc Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đã ghi nhận, tiếp thu ý kiến của các Sở Công Thương; đồng thời đề nghị các Sở Công Thương rà soát và lập danh sách các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp trên địa bàn; nghiêm túc triển khai nhằm thực hiện thắng lợi cuộc Điều tra năng lực sản xuất và năng lực mới tăng của một số sản phẩm công nghiệp.